Báo cáo tại hội nghị tổng kết của Chính phủ và các địa phương ngày 8/1, Phó thủ tướng Nguyễn Hòa Bình cho biết tình hình kinh tế - xã hội 2024 tiếp tục phục hồi, tích cực trên các lĩnh vực. GDP 2024 tăng 7,09%.
Năm 2025 được coi là thời điểm "tăng tốc và bứt phá" để đạt mục tiêu cả nhiệm kỳ 2020-2025. Do đó, Chính phủ đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn 8% hoặc10% trong điều kiện thuận lợi, để tạo đà tăng trưởng hai chữ số cho giai đoạn tiếp theo. Địa phương có tiềm năng, thế mạnh như các thành phố lớn, đầu tàu kinh tế cần phấn đấu đạt mức tăng cao hơn bình quân chung cả nước.
Mục tiêu GDP 8-10% cao hơn so với chỉ tiêu Quốc hội giao (6,5-7%). Các tổ chức quốc tế đưa ra dự báo GDP năm nay của Việt Nam có thể dưới 7%. Chẳng hạn, IMF dự báo 6,1%, cao hơn so với các nước như Trung Quốc, Indonesia và Thái Lan (3-5,1%). ADB là khoảng 6,6%, nhờ vào động lực từ thương mại và đầu tư của 2024.
Song, theo Chính phủ, đây sẽ là nền tảng để Việt Nam đạt tăng trưởng hai chữ số trong giai đoạn tới (2026-2030).
Phó thủ tướng Nguyễn Hòa Bình trình bày báo cáo của Chính phủ tại hội nghị, ngày 8/1. Ảnh: VGP
Trước đó, Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhìn nhận 20 năm tới, Việt Nam phải tăng trưởng cao, phấn đấu từ 10% trở lên, để trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2045. Trong đó, từ nay đến 2030 theo ông là giai đoạn quan trọng nhất để Việt Nam đạt mục tiêu này.
Việt Nam đặt mục tiêu thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình cao vào 2030 và tới 2045 là nước phát triển thu nhập cao. Song, nền kinh tế chưa có giai đoạn phát triển cao, trung bình 10% mỗi năm kéo dài trên 10 năm. Do vậy, giới chuyên môn cho rằng thách thức của Việt Nam là làm sao để có thể tiếp tục tăng trưởng nhanh, bền vững, để dần bước vào nhóm các nước có thu nhập cao.
Cùng với GDP, Chính phủ cũng dự kiến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng bình quân khoảng 4,5%, tăng trưởng tín dụng trên 15%, thu ngân sách Nhà nước cao hơn ít nhất 10% so với năm 2024 và triệt để tiết kiệm chi, nhất là chi thường xuyên.
Để đạt mục tiêu trên, Phó thủ tướng Nguyễn Hòa Bình cho rằng giải pháp đầu tiên là hoàn thiện thể chế, tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động. Nhà điều hành sẽ xây dựng thể chế, khung pháp lý giúp phát triển nhanh, lành mạnh các thị trường tài chính, chứng khoán, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, bất động sản. Trong đó, các cơ chế, chính sách đặc thù, mô hình thí điểm sẽ được tổng kết, để đưa vào thành quy định pháp luật.
Các động lực tăng trưởng truyền thống như đầu tư công được tập trung giải ngân ngay từ đầu năm. Chính phủ xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn tới 2030 theo hướng tập trung nguồn lực, bảo đảm không quá 3.000 dự án. Dự án không đúng tiến độ, không cần thiết sẽ bị thu hồi, dành nguồn lực cho các đơn vị khác. Các dự án trọng điểm như nhà máy điện hạt nhân, trung tâm tài chính quốc tế tại TP HCM và Đà Nẵng hay thành lập khu thương mại tự do tại một số địa phương... sẽ sớm được khởi động.
Cùng với đó, hạ tầng trọng điểm, kết nối hệ thống cao tốc với sân bay, cảng biển được tập trung hoàn thiện. Chính phủ cũng đặt mục tiêu hoàn thành cảng hàng không quốc tế Long Thành và ít nhất 3.000 km đường bộ cao tốc và 1.000 km đường bộ ven biển năm nay. Một số dự án được tập trung như khai thác dự án nhà ga T3 Tân Sơn Nhất, T2 Nội Bài, xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam, các tuyến kết nối với Trung Quốc, đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP HCM.
Bên cạnh đó, ông Bình nói Chính phủ sẽ có cơ chế đủ mạnh để thu hút đầu tư, phát triển các ngành, lĩnh vực mới nổi, công nghệ cao như chip bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, công nghiệp văn hóa, công nghệ y sinh học, năng lượng sạch...
Nguồn lực từ doanh nghiệp nhà nước, tư nhân được huy động tối đa, trong khi thị trường chứng khoán, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp có giải pháp tháo gỡ để khơi thông nguồn vốn hiệu quả. Vướng mắc của các dự án năng lượng tái tạo đã đầu tư, BOT, bất động sản sẽ được xử lý triệt để, theo yêu cầu của Chính phủ.
Phương Dung